Hằng năm, từ giữa mùa đông đến đầu xuân, sầu đâu bắt đầu thay lá, đơm bông. Tuy nhiên, người địa phương thường lặt đọt non quanh năm để làm một số món ngon.
Lá sầu đâu nhỏ, dài và mọc đối xứng qua cuống. Đọt non có màu tim tím, còn gọi là cây xoan ăn gỏi, trồng khá phổ biến ở Long Xuyên, Châu Đốc và vùng Bảy Núi, An Giang. Mùa nước nổi, lá sầu đâu mơn mởn, non tơ, chấm mắm kho, cá kho, ăn với cá linh non kho mẳn hoặc ăn kèm với mắm thái, mắm chưng… mới nghe vị đăng đắng mà ngọt của lá sầu đâu, càng ăn càng cảm thấy khoái khẩu.
Món gỏi sầu đâu càng tuyệt chiêu hơn, tôm, thịt, cá… thứ nào trộn gỏi cũng tuyệt. Gỏi sầu đâu mới ăn thường cảm thấy đắng, nhưng đã biết là phát ghiền, nhất là trộn chung với khô cá lóc, cá sặt rằn; hoặc trộn với khô cá tra phồng, cá dứa cũng ngon đáo để.
Gỏi sầu đâu khô cá dứa chính hiệu tuyệt ngon
Làm gỏi sầu đâu khô cá Dứa, chọn những tược non đang đơm bông, lặt lá, bông để trộn với khô cá Dứa nướng xé từng miếng nhỏ để nguội. Trộn thêm dưa leo và cà chua xắt mỏng để… làm duyên.
Bí quyết món gỏi này là trộn với nước me chua thêm chút đường, nước mắm nhỉ và ớt sao cho hội đủ các vị mặn, ngọt, chua, cay, đắng, bùi mới… đạt đạo. Nước chấm phải là nước mắm me đậm đặc, cay, chua nhưng vừa ăn để làm đậm thêm vị .
Cuối tuần bạn thử trổ tài làm món gỏi sầu đâu khô cá Dứa chính hiệu để đãi khách thử nhé.